Cội nguồn của Phúc Đức

“ Cội nguồn Phúc Đức ” nó ở đâu – Đầu năm mới mà người người nhà nhà đã hăng hái, lũ lượt, chen chúc, xô đẩy nhau để lễ bái ở đền, chùa, miếu, phủ, ai cũng tinh thần quả cảm, hết mình, chỉ một mong mỏi cầu được ước thấy, cho cuộc sống vươn lên, cho tinh thần hoan hỉ, cho cửa nhà cao rộng, đông con nhiều cháu, tài lộc dồi dào, công thành danh toại….!?

Chẳng ai quan tâm đến việc chúc tết, mừng tuổi cha mẹ, con cháu, hay đi thăm hỏi người thân, họ hàng sau những khoảng thời gian dài mưu sinh, xa cách. Có lẽ trong thời buổi kinh tế khó khăn, người ta trông mong vào một điều gì đó từ thế lực thần thông vô hình để được yên tâm, giải quyết yếu tố tinh thần? Hay là họ tin rằng mình đã không tiếc tiền sắm sửa mâm cao cỗ đầy, trình bày hoàn cảnh thống thiết, thì nhất định Phật Thánh sẽ gia ân ban Phúc Đức cho cầu được ước thấy chăng?

Cội nguồn của Phúc Đức

Ôi chao! Thế mới hay, không hiểu gì về tín ngưỡng tâm linh nó khổ đến mức nào, cái nhìn thấy nhãn tiền là sự vô tình, lạnh lùng, vô cảm với chính người thân của họ, khoảng cách tình cảm cha mẹ với con cái, anh chị em trong gia đình ngày càng xa lạ, chân tình khách sáo, ích kỷ hẹp hòi, cái thấy sau đó là sự mê tín tới mức không thể nào giác ngộ được.

Vậy “cội nguồn phúc đức ” nó ở đâu, mấy ai đã nhìn ra và thấu hiểu? Nay giảng giải như sau:

Quý vị đi cầu cúng lễ bái, mọi sớ điệp dâng lên rồi hóa đi, Hành Sai Sứ Giả của đạo (Phật, Mẫu) đều tiếp nhận hết, sau đó phân loại và chuyển lên các cung các cõi có thẩm quyền theo từng nội dung nguyện vọng trong lòng sớ. Bề trên phê chuẩn rồi thì Hành Sai Sứ Giả tiếp tục chuyển đơn từ xuống dưới để thực hiện, nơi ấy là nơi nào? Đó chính là Hội Đồng Gia Tiên của quý vị. Đơn của Họ nào thì về dòng họ nhà nấy mà giải quyết, Phật Thánh chỉ gia ân phê chuẩn chứ không thực hiện, việc kiểm tra, xem xét và thi hành là trách nhiệm của cấp bậc bên dưới.

Nếu như dòng họ của quý vị còn đang nghiệp chướng nặng nề, chư vong linh các thế hệ vẫn đang phải thọ hình trong địa ngục tối tăm không thể siêu, mộ phần của thân nhân quý vị lạnh lẽo, cô độc, không ai hương khói ngó ngàng, …thì việc xin cầu tài, cầu lộc, cầu danh, cầu phúc….của quý vị không thể được Hội Đồng Gia Tiên chấp thuận. Âm không siêu thì Dương không thái, đó là lẽ đương nhiên. Vì thế Tổ Cô dòng họ (người được Hội đồng Gia Tiên đề cử để đảm nhận trọng trách theo dõi, giúp đỡ thân nhân trên cõi trần) không thể nào hộ trợ cho quý vị được điều gì tốt lành, kết quả của đơn từ tấu sớ trăm điều mong ước ấy chỉ là con số không tròn trĩnh mà thôi.

Như thế cội nguồn Phúc Đức chính là ở Hội Đồng Gia Tiên hay Gia Tiên Tiền Tổ của quý vị, nơi giải quyết mọi vấn đề từ việc căn đồng số lính cho đến tài danh phúc lộc (ngoại trừ hai việc là Tiêu Tai Giải Hạn và vấn đề Sinh Tử ), nơi ấy mà chưa yên ổn vững chắc thì đừng vọng tưởng điều gì nơi Phật, Thánh.

Vậy phải làm gì để Phúc Đức tăng trưởng và tâm nguyện ít nhiều được như mong cầu?

Hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất là tôn cất lập thờ tại gia cho đúng, đủ, theo cổ lệ, rồi quan tâm đến mộ phần thân nhân chu đáo. Cùng với những người họ hàng tiến hành lễ giải nghiệp chướng, phả độ gia tiên, thoát linh địa ngục, hoàn thân hoàn cốt, giải bệnh lưu thân….cho chư vong linh. Dành nhiều tình cảm quan tâm đến cha mẹ, người thân, cư xử cho đúng đạo lý làm người.

Làm được như vậy thì cội nguồn phúc đức lớn lao, quý vị đi lễ bái vọng cầu mới có thể được như tâm nguyện.

Câu hỏi đặt ra, người có điều kiện kinh tế thì còn có khả năng làm lễ phả độ gia tiên, người không có điều kiện thì phải làm sao?

Trong điều kiện khó khăn, quý vị vẫn có thể thực hành để giúp chư vong linh gia tiên tiền tổ, với những vong linh chỉ phạm tội nhẹ và với nghiệp chướng dòng họ không quá nặng nề, quý vị hãy dùng cách tạo lập “Công Đức Phóng Sinh”.

Ba điều kiện để tạo lập công đức phóng sinh : Thứ nhất: phải có đức tin; Thứ hai: không phóng sinh loài gây hại, loài có độc; Thứ ba: thời gian công đức phóng sinh tối thiểu là 3 năm liên tục.

Nên phóng sinh Chim (các loại), cá Chép, Cua, Ốc, Lươn, Trạch, Rùa, Ba Ba, …những loài tính lành, nhưng riêng Tôm thì không phóng sinh.

Khi có niềm tin thuần khiết thì quý vị dù chỉ phóng sinh một con chim hay một con cá, vẫn được tính là công đức phóng sinh.

Trong trường hợp họ hàng thân quyến có nhiều người biết tạo lập công đức nói trên thì kết quả vô cùng to lớn.

Khi đã gặt hái được quả hạnh phúc ít, nhiều, thì hãy bắt tay vào việc tiến hành phả độ gia tiên cho âm siêu dương thái, phúc đức bền bỉ.

Đối với dòng họ có nghiệp chướng nặng, nhiều vong linh không thể siêu (bị tống giam trong địa ngục), người cõi trần thì lại đói rách, nghèo hèn không có điều kiện kinh tế thì cần phải có nhiều người trong dòng họ cùng tạo lập công đức trên trong thời gian dài (tối thiểu 10 năm) thậm chí cả đời.

Trong trường hợp dòng họ nghiệp đã nặng, nhưng không ai tín ngưỡng tâm linh thì làm thế nào? việc trong họ không giải quyết được nên mới phải cầu thỉnh đến Phật Thánh thế thì có được nhà ngài gia ân ban phúc không? Điều này cũng có, nhưng rất hiếm, còn phải tùy duyên, nhà ngài sẽ căn cứ trên duyên nghiệp của quý vị mà gieo duyên cho người có thiện tâm, có đức tin thuần khiết, không vụ lợi và điều kiện, quý vị nhất định sẽ có được cơ hội mở mày mở mặt để từ đó giác ngộ, thúc đẩy cho dòng họ đi lên.

Như vậy Cội nguồn phúc đức chính là ở Hội Đồng Gia Tiên, quý vị hãy thực hành nghiêm túc sẽ thấy kết quả viên mãn, lúc nào cũng được Tổ cô và các vong linh tu tập tốt (đắc đạo) dẫn dắt, đưa đường, khai sáng, hộ trợ.

Riêng việc cúng lễ Tiêu Tai Giải Hạn và vấn đề Sinh Tử (Sống chết) Hội đồng gia tiên không được phép can thiệp. Khi quý vị làm lễ Tiêu Tai Giải Hạn đúng cách, đúng thời gian, đúng địa điểm, thì Hành Sai Sứ Giả trực thuộc Ngũ Vị Hành Sai Tổng Binh Sứ Giả sẽ ghi vào sổ “Cân Công Đức”, khi xảy ra tai ương hoạn nạn nghiêm trọng với người có tên trong sổ này, Hành Sai sẽ đưa sổ đó lên các cung các sở để đối chiếu xem xét, giảm án.

Còn vấn đề Sinh Tử là việc của “Bề Trên”, số trời quy định không cách gì thay đổi được, Hội Đồng Gia Tiên dẫu có biết cũng không giúp gì được.

Hiểu ra vấn đề rồi thì quý vị không cần phải chen lấn xô đẩy, chửi bới nhau, cắn xé nhau, giành giật chỗ đứng để lễ Phật, bái Thánh, cũng không phải sớm mai ngày tết đầu xuân, mới mở mắt ra đã lo đi đền, đi chùa, tụ tập nhau mua sắm đủ thứ không tiếc tiền, nhưng lại tiếc sự quan tâm chăm sóc dành cho những người thân yêu của mình.

Phúc Tâm Pháp Sư

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.