” Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa ” là như thế nào ?

Ngụy biện ‘tu tại gia’ là khó nhất và quan trọng nhất và không cần tìm cầu tham học với các bậc chân tu là vấn đề cần suy xét và cần cẩn trọng, nhất là với những người chưa hiểu Phật pháp và những người mang trong mình bản ngã thâm căn cố đế.

Huong-dan-tung-kinh-cho-Phat-tu-tai-gia

Nói về Phật giáo, có lẽ không thể phủ nhận rằng đó là nguồn tư liệu đồ sộ nhất và có thể ứng dụng nhiều nhất trong thời đại ngày nay. Phật giáo ban đầu không phải là tôn giáo vì không có đấng giáo chủ. Đức Phật chỉ nhận mình là thầy chỉ đường, là đại y vương mà không hề xưng là đấng sáng thế có đầy đủ quyền năng thưởng phạt.

Tuy nhiên, hiện nay không ai phủ nhận Phật giáo là một tôn giáo vì nó có đủ mọi yếu tố mà theo bất cứ định nghĩa nào cũng đáp ứng được. Sở dĩ Phật giáo trở thành tôn giáo vì sự thích ứng của nó trong quá trình tiếp biến văn hóa. Do đó, ở đây chúng ta phải đánh giá và nhận định Phật giáo – tôn giáo một cách khách quan như những gì đang xảy hơn là theo lý luận giáo lý thuần túy duy tâm.

Sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, đức Phật đã hoạt động không mệt mỏi mà chưa có ai trên thế gian này sánh bằng cho đến hơi thở cuối cùng với mục đích là giáo hóa chúng sinh. Giáo pháp Ngài dạy rất đa dạng và phù hợp với tất cả các hạng người nhưng tựu trung cũng lấy chữ tâm làm trung tâm điểm. Vì rằng ‘Phật tại tâm, tâm tức Phật, ngoài tâm tìm đâu ra Phật’.

Chỉ có một vấn đề là huấn luyện tâm mà Ngài đã chịu bao gian khổ đến nổi suýt bỏ mạng nơi rừng sâu nước độc để cuối cùng nhận ra con đường đi đến mục đích chính là con đường trung đạo (bát chính đạo). Vậy thì không phải ngẫu nhiên mà Ngài có thể chứng ngộ chân lý và tuyên bố con đường trung đạo như thế. Đó là quá trình trải nghiệm với cái giá rất đắt.

Những người đi sau Bậc đạo sư giác ngộ có được may mắn là không phải nhọc công đi tìm chân lý mà chỉ việc thực hành theo con đường trung đạo để thể nghiệm chân lý. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của nhân loại.

Chân lý đã được trình bày và giải thích, con đường đi đến đích cũng đã được chỉ dẫn thế nhưng ngày nay mấy ai đạt được mục đích ấy. Ta thử so sánh số thánh giả trong thời gian 45 năm hay 49 năm khi Phật còn tại thế với số thánh giả sau hơn 2550 năm kể từ khi Phật Niết bàn. Thật ngạc nhiên là trong vòng có mấy chục năm mà số thánh giả nhiều hơn gấp trăm ngàn lần số thánh giả trong thời gian hơn 25 thế kỷ.

Có thể ví von rằng số năm khi Phật còn tại thế bằng số thánh giả sau này và số thánh giả vào thời đức Phật tại thế bằng, thậm chí hơn số năm sau khi Phật Niết bàn. Tại sao trong thời gian ngắn lại có số lượng thánh giả nhiều như thế và ngược lại. Tại sao có vị chỉ cần một, hai tuần như ngài Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên có thể chứng được thánh quả, còn đương thời chúng ta dành cả đời mà mấy ai chứng đắc.

Cho nên, nói ‘Phật tại tâm tu đâu cũng đuợc’ là về mặt lý thuyết còn để trải nghiệm Phật tâm ấy không phải đơn giản và không dễ gì đạt được nếu không có môi trường tu tập thích hợp. Số lượng thánh giả hiện thời đã chứng minh điều đó.

Tại đây chúng ta thử luận bàn câu nói: ‘thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa’ để hiểu ý các bậc tiền bối gởi gắm điều gì. Có thể khẳng định rằng câu nói trên không do Phật hay Tổ nói vì không tìm thấy nó trong bất cứ các kinh điển hay ngữ lục nào. Đây thực chất chính là kết quả của những kinh nghiệm, của sự tiếp biến văn hóa của người Việt.

Trong dân gian, chúng ta cũng có câu ca dao đại loại tương tự như thế ‘tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu’. Khi đã xác định nguồn gốc của câu nói trên, ta hãy phân tích ý nghĩa câu nói ấy thế nào.

Khi đề cập câu nói trên, nhiều người cho rằng vị trí không gian được sắp xếp theo thứ tự trước sau như vậy là phản ảnh thứ bậc tu tập từ khó đến dễ theo thứ tự tại gia, chợ, chùa. Nói cách khác, họ cho rằng khó khăn nhất là tu tại gia vì môi trường gia đình nhiều rắc rối, kế đến là tu chợ nơi xảy ra nhiều điều phức tạp, và cuối cùng là tu chùa nơi được cho là bình yên nhất và dễ thực tập nhất.

Nhận xét này phản ảnh hai ý nghĩa. Một là, nó nói lên môi trường tu tập. Hai là, nó gợi ý cho hành giả cách chọn môi trường tu cho phù hợp. Như vậy, có hai cách chọn lựa. Một là phải đối đầu với cái khó trước vì đó là hoàn cảnh bắt buộc của người tại gia và kết quả hoặc là thành công hoặc là thua cuộc. Hai là chọn con đường từ thấp đến cao theo trình tự.

Lý thuyết thì có vẻ hợp lý nhưng thực tế không ai có thể chia thời khóa tu tập cho từng môi trường cụ thể. Người cư sĩ khó lòng có thể thành công nếu chỉ ‘tu tại gia’ nếu không muốn nói là thất bại và họ cũng khó lòng mà tu theo thứ tự vì môi trường đâu có tách biệt rõ ràng. Do đó, quan niệm cho rằng ‘Phật tại tâm nên ở đâu tu cũng được’ và sự viện dẫn câu nói trên để bác việc đến chùa, việc tìm cầu bậc minh sư và những thiện hữu tri thức để cùng nhau sách tấn tu tập là điều cần xét lại đối với những hành giả thực tâm muốn tu học.

Từ chỗ lý giải chưa thỏa đáng theo cách hiểu phân biệt cấp độ môi trường tu tập cũng như ý niệm ‘Phật tại tâm tu đâu cũng được’ không có cơ sở vững chắc cho hành giả hành trì, chúng ta thử hiểu bằng một cách lý giải khác. Chúng ta phải thừa nhận rằng hầu hết hành giả là người cư sĩ tại gia và tất nhiên họ phải dành hầu hết thời gian ở gia đình với những người thân của họ.

bon-phan-nguoi-phat-tu-tai-gia-ht-thich-thien-hoa-136

Thế thì ‘thứ nhất tu tại gia’ là hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh sống của họ vì họ sống cả ngày mà không áp dụng lời Phật dạy thì làm sao gọi là tu và làm sao có kết quả. Tu là áp dụng những lời Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày thông qua ba nghiệp thân, khẩu, ý của mỗi người. Giống như anh chàng bác sĩ phải áp dụng những gì đã học từ nghề y để chữa cho các bịnh nhân hằng ngày thì mới hữu ích.

‘Thứ hai tu chợ’ có nghĩa rằng người cư sĩ còn phải làm ăn, phải tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh xã hội khác nhau, nên phải dành thời gian khá nhiều cho công việc ngoài xã hội. Nếu không áp dụng lời Phật dạy qua thái độ, hành vi ứng xử trong công việc thì cũng chưa gọi là tu, và tất nhiên cũng không có kết quả.

‘Thứ ba tu chùa’ tức là thời gian người cư sĩ dành để tu tập ở chùa là ít hơn hết. Đó là một sự thật. Tuy thời gian ngắn nhưng rất quan trọng. Nó như là điều kiện cần thiết để nạp năng lượng, để huấn luyện những kỹ năng cần thiết cho người người cư sĩ có thể thành công khi ra chợ hay về nhà. Sự phân chia như thế là nói lên độ dài thời gian hơn là sự quan trọng hay khó khăn trong tu tập.

Như vậy, có hai giả thuyết được đặt ra. Một là hiểu và trình bày theo cấp độ tu tập từ dễ đến khó. Hai là nói về độ dài thời gian mà một cư sĩ tại gia tu tập ở ba vị trí không gian khác nhau.

Theo giả thuyết thứ nhất, thì người Phật tử muốn vượt qua khó khăn trong hai môi trường đầu thì phải tham gia tu tập nhiều hơn nữa ở môi trường thứ nhất để tạo cho mình nội lực tâm linh đủ mạnh để vượt qua sóng gió ở môi trường gia đình và xã hội.

Với giả thuyết thứ hai thì người Phật tử phải tận dụng quỹ thời gian trong ngày của mình để áp dụng lời Phật dạy để đem lại cuộc sống an lạc cho bản thân và gia đình.

Dù hai giả thuyết có khác nhau nhưng vẫn gặp nhau ở một điểm chung. Đó là việc áp dụng lời Phật dạy vào đời sống tu tập hằng ngày. Để hiểu và áp dụng đúng lời Phật dạy không thể không tìm cầu minh sư học hỏi cũng như không thể không cần một cộng đồng tu tập hay ‘tăng thân’ – tức môi trường tu tập.

Những trợ duyên này không chỉ có thể tìm nơi môi trường thứ nhất – tức chùa. Chùa ở đây nên hiểu là nơi tu tập hơn là một địa điểm không gian cố định nào đó. Điều này hoàn toàn đúng với những gì đức Phật đã trải qua.

Do vậy, việc ngụy biện ‘tu tại gia’ là khó nhất và quan trọng nhất và không cần tìm cầu tham học với các bậc chân tu là vấn đề cần suy xét và cần cẩn trọng, nhất là với những người chưa hiểu Phật pháp và những người mang trong mình bản ngã thâm căn cố đế.

Tóm lại, cả ba hoàn cảnh là sự hỗ tương nhau và không nên nhầm lẫn tách rời ra khi mà chưa ai sống tách rời xã hội. Gia đình, xã hội và nơi giáo dục tâm linh là mô hình khép kín không thể tách rời nhất là xã hội ngày nay. Tự tách rời là tự chúng ta cô lập chính mình, cũng tức là tự sát mà không cần súng đạn, gương đao.

Câu nói trên chỉ nên hiểu như là lời khuyến khích động viên cho hàng cư sĩ tại gia còn nhiều ràng buộc nơi gia đình và xã hội để họ ý thức những khó khăn mà họ đang đối mặt trong đời sống và biết tìm môi trường thích hợp trau dồi nội tâm mình.

Hiểu và hành như vậy thì may ra đem đến lợi lạc cho bản thân và những người xung quanh, và may ra làm hài lòng ý chỉ của những bậc tiền bối xưa kia.

Theo Phật tử Việt Nam.

Được đóng lại.